Theo quy định về hàng thừa kế thì cháu được xếp vào hàng thừa kế thứ hai, do đó về nguyên tắc cháu sẽ không được trực tiếp hưởng phần thừa kế của ông bà nếu ông bà còn hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm vợ, chồng, cha mẹ, con cái). Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, cháu vẫn có thể được nhận thừa kế trực tiếp từ ông bà bất kể ông bà còn hàng thừa kế thứ nhất hay không, đó chính là quy định về thừa kế thế vị.
- Thừa kế thế vị được quy định như thế nào?
Như đã đề cập ở trên, thừa kế thế vị là một trường hợp đặc biệt của chế định thừa kế, được quy định tại Bộ luật dân sự hiện hành, cụ thể như sau:
Thừa kế thế vị:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Theo đó, thừa kế thế vị được hiểu là việc một người thay thế vị trí của một người khác để được nhận thừa kế của người đó. Cụ thể theo quy định trên thì thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ).
- Thừa kế thế vị áp dụng khi nào?
Để áp dụng thừa kế thế vị thì cần thỏa mãn các điều kiện sau:
Người thế vị phải là người ở đời sau. Con cái, cháu được thế vị bố mẹ, ông bà mà không có trường hợp ngược lại. Ngoài ra các mối quan hệ khác không được xem là thừa kế thế vị.
Chỉ áp dụng cơ chế thừa kế thế vị trong trường hợp con/cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, nếu con/cháu của người để lại di sản chưa chết mà chỉ từ bỏ quyền nhận di sản hay vì bất cứ lý do khác thì cơ chế thế vị sẽ không được áp dụng
Người thừa kế thế vị phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
III. Hồ sơ, thủ tục khai nhận di sản để thừa kế thế vị?
Về hồ sơ khai nhận: Hồ sơ tương tự với việc khai nhận di sản thừa kế bình thường, cụ thể phải đáp ứng được các nguyên tắc về hồ sơ như sau:
Giấy tờ chứng minh về thời điểm mở thừa kế: Giấy chứng tử của người để lại di sản.
Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người yêu cầu khai nhận di sản thừa kế và người để lại di sản thừa kế. Vì là thừa kế thế vị nên sẽ không có giấy tờ chứng minh trực tiếp mối quan hệ (vì giữa ông với cháu, cụ với chắt thì không có giấy tờ chứng minh) mà phải sử dụng nhiều hồ sơ để chứng minh sự liên kết, cụ thể cần phải có Giấy khai sinh của người chết trước người để lại di sản, Giấy khai sinh của người nhận di sản để chứng minh mối quan hệ thế vị.
Giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số tiết kiệm,… để đưa ra được yêu cầu cụ thể.
Giấy tờ nhân thân về người thừa kế thế vị như: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu,…
Ngoài ra, phụ thuộc vào những trường hợp cụ thể thì cần thêm những văn bản tài liệu khác nhau để có thể thu thập đủ hồ sơ khai nhận di sản thừa kế.
Về thủ tục: Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục được thực hiện tại Phòng/Văn phòng công chứng nếu những người thừa kế thống nhất việc phân chia di sản.
Trường hợp có người thừa kế nào không đồng ý với việc phân chia di sản thì thủ tục này sẽ không thực hiện được và cần phải tiến hành khởi kiện yêu cầu phân chia di sản tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ thông tin sau :
Trụ sở chính: 914 Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP. HCM
CN Bình Tân: số 4.09 Block b1, Green Town, đường số 3, P. Bình Hưng Hoà B, Q.Bình Tân, TP. HCM
CN Bình Dương: 61/33 Lê Văn Tách, P. An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương
HOTLINE: 0942.979.111